PHÂN BÓN HỮU CƠ PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI LÂM ĐỒNG

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên có điều kiện khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp với sự đa dạng về chủng loại cây trồng hơn so với các vùng khác như: cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái, rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Đồng thời là địa phương thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Toàn tỉnh hiện có 278.154 ha canh tác (383.884 ha gieo trồng) với 127.615 ha cây hàng năm và 256.269 ha cây lâu năm; trong đó, cây chè, cà phê, lúa, rau, hoa là những cây trồng chủ lực của tỉnh: cây cà phê 174.390 ha (sản lượng 507.782,3 tấn), cây chè 12.631 ha (sản lượng 166.983,6 tấn), rau các loại 67.392 ha (sản lượng 2.378.518,1 tấn), hoa các loại 8.890 ha (sản lượng 3.358.073,5 ngàn cành). Trong những năm qua, Lâm Đồng đẩy mạnh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến nay, diện tích ứng dụng CNC đạt 54.477 ha, chiếm 19,6% diện tích đất canh tác toàn tỉnh, đạt 30% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, hàng năm tỉnh Lâm Đồng cần một lượng phân bón tương đối lớn khoảng 2,2 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón hữu cơ khoảng 1,4 triệu tấn chiếm 63,6% tổng lượng phân bón sử dụng.

Hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng có 06 công ty sản xuất phân bón hữu cơ ( công ty CP Phân Bón Bình Điền – Lâm Đồng, Công ty TNHH Cao Nguyên Xanh, Công ty TNHH Chu Toàn, Công ty TNHH MTV Yên Tâm, Công ty TNHH Duyên Truyền, CN công ty TNHH XNK Tân Thành Nam) với sản lượng 17.800 tấn/năm và 04 công ty nhập khẩu phân bón hữu cơ (công ty TNHH Như Linh, Công ty TNHH Tín Minh Khoa, CN công ty TNHH Vĩnh Thạnh, Công ty TNHH TM SX Tân Phú Nông) với sản lượng 14.300 tấn/năm. Số lượng phân bón hữu cơ còn lại do khoảng 120 công ty sản xuất, nhập khẩu tại các địa phương khác cung cấp, phân phối cho 1500 cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh bán cho người dân sử dụng.

Hiện nay việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có của đất, cho nên đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Việc thay đổi tập quá trong sản xuất nông nghiệp thay đổi loại phân bón vô cơ đang sử dụng qua các loại phân bón hữu cơ đang là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Trong các loại phân bón hữu cơ đều chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng N,P,K cần thiết cho cây trồng. Ngoài ra trong phân bón hữu cơ còn có các nguyên tố trung lượng và vi lượng ở dạng dễ hấp thu giúp cây trồng phát triển cân đối. Đặc biệt trong các loại phân hữu cơ còn có các loại vi sinh vật hữu ích: vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải xenlulo; phân hủy thành các chất mùn chứa các loại axít hữu cơ: axit humic, axit fulvic… khi sử dụng cho cây trồng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật hữu ích phát triển, hạn chế tối đa các vi sinh vật gây hại. Đồng thời kích thích sự phát triển của rễ cây, giúp rễ cây dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp cây trồng cho nông sản có chất lượng cao hơn so với việc sử dụng phân bón vô cơ. Lợi ích của phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đã được minh chứng từ hàng ngàn năm nay, từ xa xưa cha ông ta đã sử dụng phân bón hữu cơ cho canh tác nông nghiệp. Đối với phân hữu cơ sau khi được chế biến sẽ loại bỏ được các yếu tố độc hại với con người, không để lại tồn dư hóa chất trong nông sản như sử dụng các loại phân bón vô cơ, giúp nhà nông hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên sản phẩm luôn an toàn cho người sử dụng, người tiêu dùng. Đồng thời giúp bảo vệ môi trường sinh thái và là con đường giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan